Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Không dễ kết hôn với người nước ngoài

Không dễ kết hôn với người nước ngoài!

Việc kết hôn thường thông qua người giới thiệu, thời gian từ khi quen biết đến khi kết hôn không dài, công dân Việt Nam chưa có đủ hiểu biết cần thiết về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của quốc gia mà “đối tác” cư trú, nên không ít trường hợp kết hôn vội vàng, rồi phải chịu hậu quả do không chuẩn bị kiến thức cần thiết cho cuộc sống sau kết hôn ở nước ngoài.

Cô dâu Việt cùng chồng người Đài Loan và các con trong một buổi gặp mặt
Quan điểm này được Bộ Tư pháp đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 24/NĐ-CP ngày 28/3/2013 thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Tư vấn chưa đủ, phải qua được vòng phỏng vấn
Dự thảo thông tư quy định, khi thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp phải yêu cầu công dân Việt Nam đến Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (của Hội Liên hiệp Phụ nữ) để được tư vấn trong 3 trường hợp: Giữa hai người có sự chênh lệch lớn về độ tuổi (nam hơn nữ từ 20 tuổi trở lên, nữ hơn nam từ 10 tuổi trở lên); việc kết hôn có tính chất phức tạp (hai người đều kết hôn lần thứ hai trở lên, người nước ngoài đã từng kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam…).

Ngay cả khi đã qua phỏng vấn, Sở Tư pháp thấy hai bên chưa có sự hiểu biết về hoàn cảnh của nhau hoặc về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật, về hôn nhân và gia đình của quốc gia mà người dự định kết hôn cư trú thì hồ sơ đăng ký kết hôn cũng chưa được thông qua.

Dự thảo thông tư cũng đưa ra những quy định hết sức gắt gao về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (thường gọi là giấy xác nhận độc thân) cho công dân Việt Nam trong nước để đăng ký kết hôn ở nước ngoài. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ phỏng vấn công dân Việt Nam có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Thậm chí yêu cầu vị hôn thê, hôn phu ở nước ngoài phải về Việt Nam để phỏng vấn thêm trong những trường hợp như đã nêu hoặc có dấu hiệu đương sự không tự nguyện kết hôn; mục đích, động cơ kết hôn không rõ ràng…

Sở Tư pháp sẽ thông báo cho UBND cấp xã từ chối cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đương sự nếu: Kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên chưa có sự hiểu biết về hoàn cảnh của nhau hoặc chưa có sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người dự định kết hôn cư trú; việc kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn thông qua môi giới trái pháp luật; lợi dụng kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, kiếm lời hoặc vì mục đích trục lợi khác…

Chặt chẽ nhưng có khả thi?kết hôn với người nước ngoài

Trong tờ trình, Bộ Tư pháp cho rằng, việc phỏng vấn sẽ là cách thức tốt nhất, hiệu quả nhất để làm rõ về sự tự nguyện kết hôn, hiểu biết của công dân Việt Nam về hoàn cảnh cá nhân, gia đình của người dự định kết hôn; về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật hôn nhân - gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ người dự định kết hôn cư trú; đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để xem xét việc kết hôn có thông qua môi giới trái pháp luật không? Việc kết hôn có nhằm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc hay không?

Ông Nguyễn Quốc Cường - Cục phó Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho rằng, thực tế có những trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài do không biết về phong tục, tập quán, văn hóa và ngôn ngữ nước đó nên không thể giao tiếp với gia đình nhà chồng. Không ít trường hợp dẫn đến trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. “Việc đưa ra những quy định như vậy là để trang bị cho họ những kiến thức pháp luật, văn hóa, đồng thời khoảng thời gian đó cũng để họ tìm hiểu nhau rõ hơn, để tạo điều kiện cho hôn nhân bền chặt, chứ không phải làm khó việc kết hôn”.

Có thể thấy, trong dự thảo của Bộ Tư pháp, vai trò của các Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài rất quan trọng. Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Cường: “Dù cả nước có đến vài chục trung tâm, nhưng thực tế số trung tâm hoạt động hiệu quả thì chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Tại Đồng Tháp có một Trung tâm với tên gọi “Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ Phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài” (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Đồng Tháp) chỉ có 3 cán bộ (trong đó có 1 giám đốc, 1 phó giám đốc và đều là kiêm nhiệm). Bà Võ Thị Thúy Hằng, cán bộ chuyên trách duy nhất của Trung tâm này cho biết, 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tư vấn cho 3 trường hợp, nhưng chủ yếu tư vấn về hồ sơ, thủ tục. “Những trường hợp đến tư vấn tại trung tâm cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề văn hóa, pháp luật mà chủ yếu mong được tư vấn về hồ sơ, thủ tục và cách thức để qua được vòng phỏng vấn”, bà Hằng nói.

Là người đi xuất khẩu lao động, đang trong thời gian nghỉ phép để làm các thủ tục kết hôn với một người Đài Loan, chị Vũ Thị Lanh (30 tuổi, quê Nam Sách, Hải Dương) nêu ý kiến: “Đành rằng việc hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của “đối tác” là rất cần thiết. Nhưng khi phỏng vấn, cán bộ tư pháp căn cứ vào đâu để đánh giá mức độ “hiểu biết” của “đương sự”? Điều này hoàn toàn do cảm quan, thậm chí là trình độ của cán bộ tư pháp”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét